Thông tin tuyên truyền
PHÁP LUẬT – NỀN TẢNG THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI
Các chính sách và chương trình như Đề án 1898 đã giúp nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực xã hội.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, pháp luật đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng văn hóa ứng xử về bình đẳng giới, hướng tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong xã hội.
Hành lang pháp lý vững chắc cho bình đẳng giới
Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối vững chắc nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực trong xã hội, bao gồm chính trị, kinh tế, gia đình, y tế, giáo dục, thông tin,…
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới". Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế về bình đẳng giới, như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Đáng chú ý, Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, đã đề ra các mục tiêu, giải pháp thu hẹp khoảng cách giới và tạo điều kiện bình đẳng cho phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đơn cử, trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025, 60% và đến năm 2030, 75% các cơ quan quản lý nhà nước các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế - lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ hưởng lương và tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, đồng thời giảm tỷ lệ lao động nữ trong nông nghiệp. Đáng chú ý là trong lĩnh vực gia đình, Chiến lược yêu cầu giảm số giờ làm việc nhà của phụ nữ, hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới.
Đặc biệt, Quyết định số 1898/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025" (gọi tắt là Đề án 1898), đã thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ tại vùng dân tộc thiểu số, góp phần đạt các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và 50% cán bộ liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, xã được tập huấn, nâng cao năng lực; 80% số hộ gia đình dân tộc thiểu số rất ít người được tiếp cận thông tin về bình đẳng giới; 100% các trường bán trú, nội trú tuyên truyền kỹ năng sống và kiến thức về giới; 30 - 50% xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực. Ví dụ điển hình là tỉnh Đồng Nai, với dân số khoảng 3,2 triệu người, trong đó trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số có trên 198.784 người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, tính đến 2024, toàn tỉnh còn 566 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 0,0649%; lãnh đạo nữ ở cơ quan nhà nước chiếm 62,06%; doanh nghiệp có chủ nữ đạt 33,6%; 99,89% trẻ dân tộc thiểu số hoàn thành tiểu học; tỷ lệ nữ học nghề đạt 32,67%.
Đối với cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng và toàn xã hội nói chung, các chính sách và chương trình như Đề án 1898 đã giúp nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã thay đổi nhận thức và hành vi, góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn. Pháp luật không chỉ đặt ra các quy định mà còn định hướng hành vi, xây dựng văn hóa ứng xử trong xã hội. Cụ thể, pháp luật yêu cầu các cơ quan, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật đều phải xem xét tác động giới, bảo đảm không có sự phân biệt đối xử. Pháp luật cũng quy định các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm bình đẳng giới, từ đó răn đe và giáo dục cộng đồng.
Hoàn thiện pháp luật, tiến tới xóa bỏ khoảng cách giới
Trong lĩnh vực chính trị tỷ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý vẫn còn hạn chế
(Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)
Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, song Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn trong việc xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới. Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 của WEF cho thấy Việt Nam xếp hạng 83/146 quốc gia, cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm.
Những định kiến truyền thống, khoảng cách thu nhập, cơ hội thăng tiến hạn chế và tình trạng bạo lực giới là những vấn đề cần giải quyết. Có thể kể đến một thực tế trong lĩnh vực chính trị là tỷ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm sút. Hiện nay, hệ thống chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa toàn diện và cụ thể. Việc thiếu các chỉ tiêu định lượng về tỷ lệ nữ giới ở các vị trí lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội gây khó khăn cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện bình đẳng giới. Hơn nữa, việc thiếu quy định về tỷ lệ nữ giới trong các khâu tuyển dụng, luân chuyển cán bộ cũng làm giảm khả năng bảo đảm tỷ lệ nữ giới ở khâu bổ nhiệm. Trong khi đó, sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi theo lộ trình) trong khi độ tuổi bắt đầu tham gia lao động là như nhau đã tạo ra sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển nghề nghiệp và tham gia chính trị. Quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, hạn chế cơ hội thăng tiến của nữ giới, đặc biệt là ở các vị trí lãnh đạo cấp cao.
Thêm vào đó, một số quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến công tác cán bộ còn gây khó khăn cho nữ giới. Ví dụ, trong quy hoạch cán bộ, việc quy định cán bộ đưa vào quy hoạch phải đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên đã tạo ra rào cản cho cán bộ nữ do tuổi nghỉ hưu thấp hơn nam giới. Mặc dù đã có quy định về tỷ lệ nữ trong quy hoạch, nhưng việc thiếu chế tài đối với các cơ quan, tổ chức không đạt chỉ tiêu, đặc biệt là ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt, cũng làm giảm hiệu quả thực hiện. Về đào tạo, bồi dưỡng, việc thiếu hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ nữ cán bộ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi cũng hạn chế cơ hội học tập và thăng tiến của họ. Về bổ nhiệm, mặc dù tiêu chuẩn bổ nhiệm là như nhau cho cả nam và nữ, nhưng cơ hội được bổ nhiệm của nữ giới vẫn thấp hơn do tuổi nghỉ hưu và thiếu các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong bổ nhiệm.
Rõ ràng, những vấn đề kể trên cũng là thách thức chung với mọi phụ nữ trong các lĩnh vực khác ngoài chính trị. Việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản pháp luật chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Nhiều văn bản pháp luật vẫn được coi là "trung tính về giới", không phân biệt đối xử giữa nam và nữ, do đó không giải quyết được các thách thức cụ thể mà nữ giới gặp phải. Việc thiếu quy trình, thủ tục phân tích giới chặt chẽ trong quá trình soạn thảo văn bản đã làm giảm hiệu quả của lồng ghép giới.
Để đạt được bình đẳng giới thực chất, một yếu tố quan trọng là sự thay đổi sâu sắc trong văn hóa ứng xử kết hợp với thực thi pháp luật. Hoàn thiện hệ thống pháp luật cần được ưu tiên thông qua rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định nhằm loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo đảm các quy định được áp dụng nghiêm minh, tạo nền tảng bền vững cho sự công bằng giới. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các chương trình tuyên truyền và giáo dục về bình đẳng giới. Những hoạt động này giúp thay đổi định kiến lâu đời, xây dựng tư duy mới về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Văn hóa ứng xử tôn trọng bình đẳng giới phải được thể hiện rõ nét trong từng hành động hàng ngày, từ gia đình, nơi làm việc đến môi trường công cộng. Phụ nữ cần được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh tế, khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ để bảo đảm mọi cá nhân đều có cơ hội ngang bằng.
Bình đẳng giới không chỉ là câu chuyện pháp luật mà còn là hành trình thay đổi văn hóa và nhận thức. Kết hợp giữa khung pháp lý vững chắc, chính sách hỗ trợ cụ thể và giáo dục cộng đồng sẽ tạo nên một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
(Trích nguồn: Diệu Bảo. (2024). Pháp luật – Nền tảng thúc đẩy bình đằng giới. Pháp Luật Việt Nam. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2024, từ https://baophapluat.vn/phap-luat-nen-tang-thuc-day-van-hoa-binh-dang-gioi-post532707.html?gidzl=7ooq449inMqVCxqKGt32RHiplnHQSC8_0sE_GmucbMi2OUeKMNF6Q0vawHK28yOu2pIw4p9lSKbEGMt5Qm)