Hoạt động thừa phát lại
Hội nghị chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”
Thực hiện Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp đã phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị chuyên đề "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo đó, Hội nghị được tổ chức vào chiều ngày 17 tháng 10 năm 2018 tại Sở Tư pháp với sự tham dự của hơn 95 đại biểu là các đồng chí đại diện các cơ quan đến từ Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố, Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Công an Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận/huyện, Tòa án nhân dân các quận/huyện, Viện Kiểm sát nhân dân 11 quận/huyện nơi có Văn phòng Thừa phát lại, Chi cục Thi hành án dân sự quận/huyện và Trưởng các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ trái sang: ông Phạm Huy Hoàng - Cục phó Cục Thi hành án dân sự, ông Phan Ngọc Minh - Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; bà Phan Thị Bình Thuận - Phó Giám đốc Sở Tư pháp; bà Trần Thị Nga - Phó Phòng Quản lý Công chứng - Thừa phát lại, Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 107/NQ-QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể: Dự thảo Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của Sở Tư pháp; Báo cáo kết quả hoạt động tống đạt và việc sử dụng vi bằng của Thừa phát lại trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân Thành phố; Báo cáo kết quả hoạt động tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án dân sự của Thừa phát lại của Cục Thi hành án dân sự Thành phố; Báo cáo kết quả kiểm sát tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố; Tham luận "Một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại" của Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp; Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố phát biểu tại Hội nghị
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến
Tiếp đó, một số đại biểu có ý kiến đóng góp, trao đổi tại Hội nghị. Nhìn chung, các ý kiến góp ý tập trung đề xuất đại diện Cục Bổ trợ tư pháp quan tâm, kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định mới về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại; đồng thời, góp ý một số nội dung cần quy định cụ thể để nâng cao chất lượng công tác tống đạt và lập vi bằng của Thừa phát lại. Sau đó, đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố đã có những phát biểu chỉ đạo, quán triệt một số nội dung quan trọng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 107/NQ-QH13 của Quốc hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Phan Thị Bình Thuận - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã đề nghị một số nội dung sau:
- Các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố tiếp tục thực hiện tiếp tục kiến nghị cơ quan cấp trên quan tâm, đề xuất Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định mới về Thừa phát lại và quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thừa phát lại.
- Các địa phương cần tiếp tục phổ biến, quán triệt đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò của hoạt động Thừa phát lại; tăng cường công tác phối hợp và hỗ trợ hoạt động của Thừa phát lại, đặc biệt là việc hỗ trợ hoạt động tống đạt của Thừa phát lại; kịp thời thông tin cho Sở Tư pháp biết những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động Thừa phát lại tại địa phương.
- Các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện đúng quy định pháp luật về lập vi bằng, tống đạt văn bản, giấy tờ, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án; chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, vi phạm trong hoạt động về Thừa phát lại đã được Sở Tư pháp lưu ý, nhắc nhở thời gian qua; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để Sở Tư pháp tổng hợp, xem xét giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền.
- Về phần mình, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục chủ động trong tham mưu giúp việc cho Ủy ban nhân dân Thành phố trong quản lý Thừa phát lại; tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền, giải thích pháp luật, giá trị pháp lý của vi bằng cho người dân; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban, họp liên ngành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động của Thừa phát lại; định kỳ hoặc đột xuất phối hợp với Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố tổ chức kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; xử lý thông tin báo chí, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động Thừa phát lại; thường xuyên rà soát đội ngũ Thừa phát lại để đảm bảo chất lượng, điều kiện hành nghề, kịp thời xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền nghiêm khắc xử lý hành vi vi phạm.