Hoạt động chuyên môn Hoạt động chuyên môn

« Quay lại

Tài liệu tuyên truyền một số nội dung của quyết định số 22/QĐ-TTG ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước

1. Hương ước (hoặc Quy ước) là văn bản quy phạm xã hội quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

2. Nội dung của hương ước tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau đây:

a) Đề ra các biện pháp, phương thức thích hợp giúp dân cư trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân.

b) Bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xoá bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hoá lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

c) Đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công cộng và tài sản công dân, bảo vệ môi trường sống, danh lam thắng cảnh, đền chùa miếu mạo, các nguồn nước, kè cống, đường dây tải điện, trồng cây xanh.

d) Đề ra các biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội, thờ phụng ở địa phương; khuyến khích những lễ nghi lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém.

đ) Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xây dựng cụm dân cư văn hoá, hình thành các quy tắc đạo đức mới trong gia đình và cộng đồng; khuyến khích mọi người đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, ốm đau; vận động thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, xây dựng các gia đình theo tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

e) Xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, vận động các thành viên trong gia đình, họ tộc, xóm làng đoàn kết nhau để xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, khuyến học, khuyến nghề ở địa phương. Khuyến khích đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng: điện, đường, trường học, trạm y tế, các công trình văn hoá thể thao trên địa bàn. Lập, thu chi các loại quỹ trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp khả năng đóng góp của nhân dân.

g) Đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật nhằm xây dựng địa bàn trong sạch. Phát động trong nhân dân ý thức phòng gian, bảo mật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tạm trú, tạm vắng; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Đề ra các biện pháp cần thiết hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên địa bàn; bảo đảm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức tự quản ở cơ sở như tổ chức, hoạt động của Tổ hoà giải, Ban an ninh, Tổ bảo vệ sản xuất, Ban kiến thiết và các tổ chức tự quản khác;

h) Đề ra các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để đảm bảo thực hiện hương ước:

3. Các bước xây dựng hương ước (hoặc quy ước)

Bước 1. Thành lập Nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo hương ước

Trưởng cụm dân cư chủ trì cùng Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thống nhất các nội dung cơ bản cần soạn thảo, đồng thời chỉ định các thành viên Nhóm soạn thảo. Nhóm soạn thảo cần có sự tham gia của đại diện một số cơ quan, tổ chức và đại diện của các thành phần trong cộng đồng dân cư như: cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, trưởng tộc và những người khác có uy tín, trình độ trong cộng đồng.

Trưởng khu dân cư chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở cơ sở chỉ đạo Nhóm soạn thảo xây dựng hương ước.

Việc dự thảo hương ước cần tập trung vào các vấn đề được nêu tại phần 2. Đồng thời, cần tham khảo nội dung các hương ước cũ (nếu có) cũng như nội dung của các hương ước của địa phương khác để lựa chọn, kế thừa được những nội dung tích cực, phù hợp đã trở thành phong tục, tập quán tốt đẹp.

Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân vào dự thảo hương ước

Dự thảo hương ước được gửi đến cơ quan chính quyền, cấp uỷ, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở phường; nếu điều kiện cho phép thì gửi đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến đóng góp.

Việc thảo luận đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo hương ước có thể được tổ chức bằng các hình thức thích hợp như họp thảo luận ở tổ dân phố, nhóm các hộ gia đình, họp thảo luận ở các tổ chức đoàn thể ở cụm dân cư; niêm yết, phát trên đài truyền thanh, mở hộp thư để thu thập ý kiến đóng góp.

Dự thảo hương ước có thể được Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân phường thảo luận, tham gia ý kiến.

Bước 3. Thảo luận và thông qua hương ước

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp trên, Nhóm soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và gửi các thành viên sẽ được dự kiến mời tham gia Hội nghị để thảo luận và thông qua hương ước.

Dự thảo hương ước phải được thảo luận kỹ, thực sự dân chủ và thông qua tại Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình ở cụm dân cư. Hội nghị này chỉ tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số thành phần cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình tham dự. Hương ước được thông qua khi có ít nhất quá nửa số người dự họp tán thành. Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Ban công tác Mặt trận chủ trì Hội nghị. Hội nghị quyết định hình thức biểu quyết thông qua hương ước bằng cách giơ tay biểu quyết trực tiếp hoặc bỏ phiếu.

Bước 4. Phê duyệt hương ước

Sau khi hương ước được thông qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường cùng Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường xem xét nội dung của hương ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi thống nhất với Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường về nội dung của hương ước trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận phê duyệt.

Hương ước chính thức trình phê duyệt cần có chữ ký của Tổ trưởng Tổ dân phố, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận kèm theo Biên bản thông qua tại Hội nghị.

Hương ước gửi lên Uỷ ban nhân dân quận phê duyệt phải có Công văn đề nghị của Uỷ ban nhân dân phường.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận xem xét, phê duyệt hương ước trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản hương ước và Công văn đề nghị phê duyệt.

Trong trường hợp hương ước không được phê duyệt thì Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin hướng dẫn để cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện các hương ước đó để trình lại.

4. Tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung hương ước

Uỷ ban nhân dân phường có trách nhiệm chuyển hương ước đã được phê duyệt để Tổ trưởng tổ dân phố niêm yết, tuyên truyền, phổ biến đến từng thành viên trong cộng đồng dân cư và tổ chức thực hiện hương ước.

Uỷ ban nhân dân phường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cơ sở chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của hương ước; kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc thực hiện hương ước, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện hương ước ở địa phương.

Hàng năm, cần tổ chức kiểm điểm việc thực hiện hương ước. Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung thì do Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung hương ước cũng phải tuân theo trình tự, thủ tục như khi soạn thảo hương ước mới. Không được tuỳ tiện sửa đổi, bổ sung hương ước sau khi đã được phê duyệt. 

Phòng Tư pháp Quận 1 – Phòng PBGDPL

 

danh mục

Cấu hình

SỞ TƯ PHÁP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 141-143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (+028) 3829 7052 - Fax: (+848) 3824 3155 - Email: stp@tphcm.gov.vn
Website: www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn

Thời gian làm việc:

- Thứ 2 - thứ 6: Sáng: từ 07h30 đến 11h30, Chiều: từ 13h00 đến 17h00.
- Thứ 7: Sáng: từ 07h30 đến 11h30.