Thừa Phát Lại Thừa Phát Lại

Lễ ký kết Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2009 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên được Trung ương tin tưởng giao thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và đến nay chế định Thừa phát lại đã được thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước.

Ngày 08/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đạt hiệu quả, trong thời gian quan, Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố đã có nhiều nỗ lực, chủ động, sáng tạo để vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Hiện nay, với những kết quả đạt được cũng như nhu cầu của xã hội đối với các hoạt động của Thừa phát lại, Ủy ban nhân dân Thành phố đã cho phép thành lập thêm 11 Văn phòng Thừa phát lại và hiện nay Thành phố có 22 Văn phòng Thừa phát lại; trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục cho phép thành lập thêm 17 Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn chưa có Văn phòng Thừa phát lại để đảm bảo phân bổ đều khắp trên địa bàn Thành phố nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Với việc số lượng Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại gia tăng thì công tác quản lý nhà nước ngày càng phải tăng cường để đảm bảo hiệu quả trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Vì vậy, Sở Tư pháp đã chủ động đề nghị và nhận được sự đồng tình ủng hộ của Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố và Hội Thừa phát lại Thành phố trong việc ban hành Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ ký kết Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động Thừa phát lại được tổ chức vào ngày 26/10/2023.

 Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động Thừa phát lại gồm có 3 Chương với 14 Điều; quy định về nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp, trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Hội Thừa phát lại Thành phố nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

·         Tiếp sau đó, Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc họp liên ngành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại.

Theo báo cáo của các Văn phòng Thừa phát lại, từ 2020 đến tháng 9/2023, các Thừa phát lại đã lập và đăng ký 111.725 vi bằng; các Văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tống đạt 462.046 văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Cơ quan  Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự; đã xác minh điều kiện thi hành án 01 vụ việc và trực tiếp tổ chức thi hành án 02 vụ việc.

Hoạt động Thừa phát lại tại Thành phố nhìn chung đi vào nề nếp, thể hiện đúng vai trò, lợi ích của chế định Thừa phát lại trong đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động tống đạt, lập vi bằng được người dân và các cơ quan, tổ chức tin tưởng sử dụng.

·         Tại buổi làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được, một số Văn phòng Thừa phát lại cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; trong đó, vấn đề lớn nhất hiện nay là các quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động Thừa phát lại đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế, kết quả hoạt động của Thừa phát lại giảm nhiều so với những năm trước, đặt biệt là việc xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án dân sự, công tác phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, tình trạng cạnh tranh chưa phù hợp của các Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở tại các tỉnh khác nhưng hành nghề trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…

Thay mặt cho liên ngành, ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố và Hội Thừa phát lại Thành phố tích cực triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đã được ký kết; đề nghị các Cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm, kịp thời tháo gỡ, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền theo ngành dọc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại để góp phần phát triển chế định Thừa phát lại trong thời gian tới. 

Đính kèm: Quy chế phối hợp./.

DANH MỤC

Cấu hình

SỞ TƯ PHÁP TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 141-143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (+028) 3829 7052 - Fax: (+848) 3824 3155 - Email: stp@tphcm.gov.vn
Website: www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn
Tín nhiệm mạng Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh

Thời gian làm việc:

- Thứ 2 đến Thứ 6:
+ Sáng: từ 07h30 đến 11h30
+ Chiều: từ 13h00 đến 17h00
- Thứ 7: Sáng từ 07h30 đến 11h30